Bảng cân đối kế toán là gì? Cách lập mẫu BCĐKT mới nhất
Bảng cân đối kế toán chuẩn chỉnh chính là một trong những yếu tố quan trọng trong báo cáo tài chính của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) đóng vai trò làm nền tảng và cơ sở đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp. BCĐKT cung cấp một “bức tranh tài chính toàn cảnh” tại một thời điểm nhất định của doanh nghiệp. Qua đó, cung cấp cho người xem những thông tin cấp thiết, tạo tiền đề cho các quyết định nội bộ và chiến lược phát triển trong tương lai.
Vậy BCĐKT là gì và cách lập như thế nào là chuẩn chỉnh? Cùng Finan khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!
>> Mời bạn xem thêm: Các loại tài khoản kế toán trong hệ thống tài khoản hiện hành
1. Khái niệm bảng cân đối kế toán
Theo Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC về Chế độ kế toán Doanh nghiệp đã giải nghĩa Bảng cân đối kế toán như sau:
Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Số liệu trên Bảng cân đối kế toán cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nói một cách dễ hiểu, bảng cân đối kế toán là toàn bộ những gì doanh nghiệp đang sở hữu và đang nợ, bao gồm cả số tiền đầu tư của các cổ đông trong một khoảng thời gian nhất định. Người xem có thể biết được hiện trạng tài sản và nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm đó.
Cơ sở để lập bảng cân đối kế toán bao gồm:
- Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp;
- Căn cứ vào sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết;
- Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán năm trước (để trình bày cột đầu năm)
2. Ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán với doanh nghiệp
2.1 Đánh giá tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp
Bảng cân đối kế toán cùng với báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chính là bộ ba báo cáo tài chính quan trọng của một doanh nghiệp. Trong đó, bảng cân đối kế toán chính là tiền đề quan trọng góp phần tạo lập cho các báo cáo tài chính khác.
Như đã nói ở trên, bảng cân đối kế toán sẽ cho người xem biết được hiện trạng tài sản và nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Ví dụ: Khi tài sản hiện tại của doanh nghiệp lớn hơn nợ ngắn hạn, điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang ở vị thế tốt để trang trải mọi nghĩa vụ tài chính ngắn hạn.
Một số yếu tố được thể hiện trong BCĐKT:
- Thanh khoản: Số tiền mặt và tài sản dễ chuyển đổi thành tiền mặt mà doanh nghiệp có để thực hiện các nghĩa vụ ngắn hạn.
- Hiệu quả: Mức độ hiệu quả mà doanh nghiệp sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu và lợi nhuận.
- Đòn bẩy: Mức độ rủi ro tài chính có thể gặp phải mà không gây nguy hiểm cho doanh nghiệp.
- Lịch sử tài chính: Thông tin về dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
2.2 So sánh sức cạnh tranh với đối thủ
BCĐKT không chỉ đóng vai trò giúp doanh nghiệp tự đánh giá khả năng tài chính của mình mà còn cung cấp cơ sở để so sánh với đối thủ cạnh tranh. Bảng báo cáo này giúp xác định khả năng chi trả, sinh lời của doanh nghiệp so với đối thủ cùng phân khúc.
Bằng cách so sánh về cơ cấu tài sản, nguồn vốn để đánh giá sự khác biệt trong việc quản lý tài chính giữa các doanh nghiệp. Điều này thể hiện được điểm nổi bật của mỗi công ty trong việc sử dụng nguồn vốn.
2.3 Tạo niềm tin vững chắc
BCĐKT cung cấp thông tin quan trọng đến các bên liên quan như: Nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng,… để đưa ra các quyết định đầu tư hợp tác kinh doanh. Đây có thể được xem là “thước đo” để các nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp có đang đảm bảo khoản đầu tư của họ hay không. Cơ quan quản lý sẽ so sánh BCĐKT với các biểu mẫu thuế và các tài liệu tài chính khác.
Từ việc nhìn nhận các yếu tố quan trọng như khả năng thanh toán, cấu trúc vốn, và hiệu quả hoạt động sẽ giúp các bên liên quan đánh giá lợi nhuận tiềm năng và định giá công ty.
3. Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán
Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính Việt Nam đã quy định các nguyên tắc lập BCĐKT theo phần Báo cáo tài chính như sau:
Bảng cân đối kế toán phải được lập cho mỗi kỳ kế toán (thường là mỗi năm tài chính), tuân theo nguyên tắc tính thời gian nhất quán.
Theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày Báo cáo tài chính”, khi lập và trình bày BCĐKT phải tuân thủ các nguyên tắc chung về lập và trình bày Báo cáo tài chính. Trên BCĐKT, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp do tính chất hoạt động không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân biệt giữa ngắn hạn và dài hạn, thì các Tài sản và Nợ phải trả được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.
Người lập BCĐKT: Thường là kế toán trưởng hoặc kế toán tổng hợp; hoặc có thể thuê ngoài đơn vị, cá nhân có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người ký duyệt tại thời điểm lập báo cáo là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các doanh nghiệp có chi nhánh hạch toán độc lập hoặc có công ty con thì phải lập thêm bảng CĐKT hợp nhất, bằng cách: Cộng tất cả các khoản tương ứng tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác, chi phí…và loại bỏ các khoản cần loại trừ.
4. Các bước lập BCĐKT chuẩn theo Thông tư 200
Lập BCĐKT chuẩn theo Thông tư 200 của Bộ Tài chính Việt Nam thường có 4 bước sau đây:
Bước 1: Xác định ngày báo cáo
Vì BCĐKT đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định nên việc xác định ngày báo cáo là cần thiết. Khi thực hiện, tiêu đề của BCĐKT luôn ghi vào một ngày cụ thể, ví dụ như ngày 01 tháng 01 năm 2024.
BCĐKT thường được lập vào cuối mỗi kỳ tài chính (12 tháng thực hiện một lần), thường vào ngày cuối cùng của tháng 3 hoặc tháng 12. Tuy nhiên, BCĐKT có thể được lập tại bất kỳ thời điểm nào, theo hàng quý hoặc nửa năm một lần.
Bước 2: Thu thập các tài khoản và tính tổng tài sản
Các tài khoản được đề cập trong sổ cái chung và báo cáo số dư thử cần phải được thu thập đầy đủ trong BCĐKT. Các tài khoản cố định (là những tài khoản có số dư được chuyển sang kỳ tiếp theo) cần phải được hiển thị trong BCĐKT.
Trong bước này, bạn cần phải liệt kê lần lượt tất cả các mục tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn của doanh nghiệp. Sau đó, cộng tổng tài sản ngắn hạn và tổng tài sản dài hạn với nhau để được giá trị tổng tài sản của BCĐKT.
Bước 3: Tính tổng nợ phải trả
Đây là bước tính tổng nợ cần phải trả của doanh nghiệp và phân loại chúng ra thành nợ ngắn hạn hay nợ dài hạn. Trong đó, bạn phải liệt kê các giá trị từ tài khoản số dư, cộng tất cả chúng lại để được tổng nợ phải trả chính xác nhất trong BCĐKT.
Sau khi tính tổng nợ phải trả xong, bạn cần sắp xếp lại trật tự trong BCĐKT. “Phần Tài sản” cần được sắp xếp theo thứ tự tính thanh khoản giảm dần, còn phần “Nợ phải trả” phải được xếp theo thứ tự khả năng thanh toán giảm dần.
Bước 4: Tính vốn chủ sở hữu
Phần vốn chủ sở hữu cần được liệt kê ngay sau phần “Nợ phải trả” trong BCĐKT. Vốn chủ sở hữu thể hiện giá trị doanh nghiệp trong trường hợp bị thanh lý, đóng cửa hay phá sản. Vốn chủ sở hữu bao gồm hai loại đầu tư:
- Vốn góp của nhà đầu tư/ chủ sở hữu
- Lãi hoặc lỗ tích lũy trong kinh doanh
Bạn hãy liệt kê các giá trị của thành phần vốn chủ sở hữu của từng cổ đông từ tài khoản số dư thử và cộng chúng lại để tính tổng nợ phải trả của chủ sở hữu. Tiếp theo, cần tính tổng nguồn vốn trên BCĐKT, bằng cách cộng số tiền cuối cùng từ bước 3 (giá trị nợ phải trả) và bước 4 (giá trị vốn chủ sở hữu).
Bạn cần đặc biệt lưu ý: BCĐKT cần phải theo đúng công thức sau:
- Tài sản = Nguồn vốn
- Tức: Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
- Nếu không, bạn hãy kiểm tra lại từng giá trị trong BCĐKT để chỉnh sửa cho phù hợp.
5. Download mẫu BCĐKT theo Thông tư 200 tại đây
Chủ doanh nghiệp có thể tải mẫu BCĐKT chuẩn theo Thông tư 200 tại đây:
BCĐKT đóng vai trò quan trọng, có liên quan đến luật pháp và đòi tính chính xác, chân thực tuyệt đối. Việc lập BCĐKT là một công việc “khó nhằn” với bất kỳ một kế toán nào bởi nó cần sự nhạy bén, tỉ mỉ và khả năng đối chiếu số liệu thuần thục. Finan hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho chủ doanh nghiệp trong quá trình lập BCĐKT thành công và hiệu quả.