Thuế là gì? Vai trò của thuế tại Việt Nam

1. Thuế là gì?

Thuế là một trong những khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu chi tiêu công của Nhà nước vì lợi ích chung.

Việc đóng thuế sẽ dựa trên các tiêu chí như thu nhập, giá trị tài sản hoặc hoạt động kinh tế đặc biệt. Thuế đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động kinh tế và xã hội của một quốc gia, giúp đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển bền vững và công bằng của xã hội.

2. Các đặc trưng của thuế

2.1. Thuế là khoản đóng góp mang tính chất bắt buộc vào ngân sách Nhà nước

Thuế được áp đặt bởi nhà nước và đặc điểm cơ bản nhất là tính bắt buộc. Bất kể cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng đều cần phải nộp thuế theo những hình thức phù hợp khi đủ điều kiện.

Các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế địa phương có trách nhiệm đảm bảo việc thu thuế được thực hiện đầy đủ. Việc không nộp thuế hoặc trốn thuế bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thuế là gì? Đặc điểm của thuế tại Việt Nam
Thuế có những đặc điểm nào?
Nguồn ảnh: Internet

2.2. Thuế là tiền đề để Nhà nước duy trì quyền lực và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ

Vai trò của thuế là khoản đóng góp mang tính quyền lực bởi nếu không có khoản này, Nhà nước sẽ không đủ tiềm lực kinh tế để duy trì các hoạt động hay thực hiện các chức năng quan trọng. Ngân sách Nhà nước có tới 90% nguồn thu là được tạo lập từ thuế. Và chỉ khi cho thuế tính quyền lực thì mới đảm bảo thực hiện thu thuế một cách hiệu quả nhất, tạo lập được ngân sách quốc gia.

2.3. Thuế được thực hiện theo nguyên tắc không đối giá/ hoàn trả trực tiếp

Bất kỳ chủ thể nào khi đủ điều kiện nộp thuế theo quy định Pháp luật thì phải đóng thuế cho dù đã nhận được lợi ích hay chưa. Thuế không mang tính đối giá, hoàn trả trực tiếp mà nó dùng để nộp vào ngân sách Nhà nước. Tiền thuế sẽ được Chính phủ sử dụng để chi tiêu cho mục đích công, chẳng hạn chi cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, cầu đường,… Mọi người dân đều được hưởng lợi ích từ đó, bao gồm chủ thể nộp thuế.

2.4. Thuế mang tính vĩnh viễn

Việc nộp thuế cho Nhà nước không giống như hình thức cho Nhà nước vay tiền nên Nhà nước không có nghĩa vụ hoàn trả. Vì nguồn thu từ thuế được Nhà nước sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu công, vai trò của nó là phục vụ cho mục đích an sinh, xã hội.

3. Phân loại Thuế

Thuế có những loại nào. Vai trò của thuế tại Việt Nam
Các cách phân loại Thuế
Nguồn ảnh: Internet

3.1. Phân loại theo phương thức đánh thuế

  • Thuế trực thu: Đánh trực tiếp vào phần thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Chẳng hạn như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhượng quyền sở hữu đất,…
  • Thuế gián thu: Không trực tiếp đánh vào phần thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Thuế này do các thương nhân, doanh nghiệp sản xuất, người cung cấp dịch vụ đóng cho Nhà nước nhưng bản chất là do người tiêu dùng chịu. Chẳng hạn như thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,…

3.2. Theo tính chất hành chính

  • Thuế nhà nước (quốc gia): Loại thuế này sẽ nộp vào ngân sách Trung ương
  • Thuế địa phương: Thuế nộp vào ngân sách của chính quyền địa phương

Phân loại thuế theo tính chất hành chính thường áp dụng trong kế toán quốc gia, theo cách mà tổ chức quản lý thu, cấp ngân sách thụ hưởng chúng.

3.3. Phân loại thuế theo đối tượng chịu thuế

  • Thuế thu nhập: Là loại thuế đánh vào thu nhập của các cá nhân hoặc tổ chức kinh tế. Đối tượng chịu thuế là thu nhập nhận được. Thu nhập được hình thành từ nhiều nguồn như: thu nhập từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, lợi tức, cổ phần,… Vì thế, thuế thu nhập cũng có nhiều hình thức khác nhau: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
  • Thuế tài sản: Là loại thuế đánh vào việc nắm giữ hay chuyển nhượng tài sản. Đối tượng chịu thuế là giá trị tài sản.
  • Thuế tiêu dùng: Là loại thuế đánh vào việc tiêu thụ, sử dụng sản phẩm và dịch vụ. Đối tượng chịu thuế là giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong hiện tại. Một số loại thuế tiêu dùng như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT.
  • Dựa theo lĩnh vực: Thuế được chia theo các lĩnh vực kinh tế bị đánh thuế như thuế đánh vào bảo hiểm, thuế đánh vào bất động sản, thuế đánh vào tiết kiệm,…

4. Một số loại thuế phổ biến tại Việt Nam hiện nay

4.1.Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Là loại thuế trực thu, tính dựa trên tổng thu nhập của một doanh nghiệp. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ có thu nhập. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 tại Việt Nam đang là 20% đến 50% tùy thuộc vào lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh.

4.2. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Là loại thuế trực thu, tính trên thu nhập cá nhân phát sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đối tượng nộp thuế là tất cả các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, kinh doanh, dịch vụ, bất động sản, chuyển nhượng tài sản, bản quyền, thừa kế, quà tặng và các nguồn thu khác. Thuế suất hiện nay là bậc thang từ 5% đến 35%.

4.3. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Là thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đối tượng chịu thuế là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Đối tượng nộp thuế là tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT. Thuế suất hiện nay là 0%, 5% và 10%.

4.4. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Là thuế gián thu tính trên giá bán chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng nhất định mà doanh nghiệp sản xuất hoặc thu trên giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu.

Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho chủ thể doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, là đối tượng chịu thuế theo quy định của Pháp luật. Mỗi mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chịu thuế một lần. Thuế suất hiện nay dao động từ 10% đến 150%.

Một số đối tượng chịu thuế gồm: Thuốc lá, bài lá, rượu, bia, xăng, dầu, xe mô tô có dung tích 125cm3 trở lên, tàu bay, du thuyền, vũ trường, karaoke, massage, casino, sân golf, xổ số,…

Những loại Thuế hiện nay ở Việt Nam
Một số loại Thuế phổ biến ở Việt Nam
Nguồn ảnh: Internet

4.5. Thuế xuất nhập khẩu

Là loại thuế trực thu, tính trực tiếp trên trị giá các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu là các hàng hoá xuất nhập khẩu của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Đối tượng nộp thuế này là mọi tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu các hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa chịu thuế xuất nhập khẩu.

4.6. Một số loại thuế khác

Ngoài ra, còn có một số loại thuế phổ biến khác tại Việt Nam bao gồm: Thuế sử dụng đất, Thuế tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường, Lệ phí môn bài, Lệ phí trước bạ,…

5. Vai trò của Thuế tại Việt Nam

Mục đích chính của việc thu thuế là đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung, các hoạt động tài trợ cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng và các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội.

Thuế đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của kinh tế quốc gia.
Nguồn ảnh: Internet

Cụ thể, vai trò của thuế tại Việt Nam bao gồm:

  • Thuế là công cụ duy trì quyền lực chính trị và thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước: Thuế giúp hình thành ngân sách Nhà nước, cung cấp nguồn tài chính để duy trì hoạt động của Nhà nước như xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công cộng, phục vụ cho đời sống của người dân.
  • Tạo nguồn lực cho an sinh và phúc lợi xã hội: Thuế đóng góp vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho các đối tượng theo chính sách.
  • Điều chỉnh kinh tế vĩ mô: Thuế giúp kiểm soát thị trường, lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất và lưu thông theo kế hoạch quốc gia.
  • Thuế được sử dụng để điều tiết hoạt động kinh tế bằng cách đánh thuế cao hơn đối với các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Ví dụ, thuế carbon nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy sản xuất và sử dụng sản phẩm sạch, lành mạnh hơn.
  • Thuế khuyến khích các hoạt động kinh tế nhất định. Trong một số trường hợp, chính phủ có thể áp dụng thuế ưu đãi để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mới, hoặc thuế bảo vệ để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không cân bằng.
  • Thuế hỗ trợ việc cân bằng giữa khoảng cách giàu nghèo, giảm thiểu phân biệt tầng lớp trong xã hội, đóng góp vào quá trình phân phối lại các tài nguyên và cơ hội trong xã hội. Bởi người nộp nhiều thuế hơn hầu hết đều là những chủ thể có mức thu nhập cao hơn.

Nhìn chung, có thể xem thuế là một công cụ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế, xã hội, thúc đẩy nguồn nhân lực cũng như hiệu suất làm việc.
Hy vọng những thông tin chi tiết về tầm quan trọng của Thuế và một số thông tin cần thiết về Thuế trong bài viết trên của Finan sẽ hữu ích đối với chủ doanh nghiệp!

>>Mời bạn xem thêm:

Kinh doanh ngành hàng ăn uống phải đóng những loại thuế nào?

Kinh doanh online đóng thuế như thế nào?

Lợi ích của hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế

Leave a Reply