Đầu tư mở rộng kinh doanh – bao nhiêu tiền là đủ?

Ngày 21.8 vừa qua, tập khởi động cho chuỗi podcast “SME Talks” xoay quanh những kinh nghiệm, kiến thức, quy cách vận hành dành riêng cho doanh nghiệp SME chính thức lên sóng. Chuỗi podcast được thực hiện bởi Finan – Nền tảng quản lý toàn năng cho doanh nghiệp và WISE – Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh với sự dẫn dắt của host Vanessa Phan – hiện đang là Founder & CEO của ANATICS Consulting Firm.

Tập phát sóng đầu tiên với chủ đề quản lý tài chínhcông nợ đã gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ vào kinh nghiệm thực tiễn từ chị Đoàn Thị Kiều Vân, Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Bio-Q, đem đến nhiều cái nhìn thú vị cho doanh nghiệp.

>>Mời bạn xem thêm: Chủ động nắm quyền quản lý tài chính – Bước đi vững chắc cho các doanh nghiệp SMEs thời đại số

Mời chủ kinh doanh xem toàn bộ nội dung [Podcast SME Talks] Tập 1: Đầu tư mở rộng kinh doanh – bao nhiêu tiền là đủ?

Thu hồi công nợ cũng giống như tình yêu, càng thất bại thì càng nhiều bài học đáng giá

Mất trắng 200 triệu vì không có phương pháp thu hồi công nợ hiệu quả, nữ CEO Bio-Q đành ngậm đắng nuốt cay nhìn khách hàng cắt đứt liên hệ, không phản hồi và dứt khoát mang theo món nợ mà không một lời từ biệt.

Kể từ khi mở rộng quy mô doanh nghiệp, nữ CEO của Bio-Q đã phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối cho doanh nghiệp của mình – thu hồi công nợ. Bán thì dễ, đòi nợ thì khó, doanh nghiệp của chị luôn trong trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” khi không thể quá mạnh tay vì sợ mất lòng khách, nhưng nhẹ nhàng thì lại nhận phải sự thờ ơ. Hậu quả là doanh nghiệp luôn có công nợ kéo dài đến 6 tháng hay cả năm, dù có báo cáo lợi nhuận trên giấy nhưng khi tính thực tế lại lỗ nặng vì công nợ.

Từ những trải nghiệm “đau thương” đó, chị Vân đã bắt đầu nhìn nhận lại quá trình vận hành, xử lý công nợ hiệu quả hơn: Khi giao hàng phải yêu cầu khách ký rõ ràng, đóng mộc công ty, bảo đảm chứng từ đầy đủ; rút ngắn thời gian của công nợ tối đa 30 ngày hoặc phải tất toán đơn trước rồi mới thực hiện đơn tiếp theo và chọn lọc khách hàng tốt hơn.

Tuy nhiên, những cách thức đó có thể chỉ hiệu quả với những đối tượng khách hàng trong vòng an toàn hay đảm bảo quản lý công nợ ở mức ổn định. Để triệt để hơn và đạt hiệu quả tối ưu của việc thu hồi công nợ, host Vanessa Phan đã gợi ý một số hướng đi tiềm năng cho chủ doanh nghiệp cùng các “tip” đặc biệt.

Đầu tiên, chiến lược mà doanh nghiệp nên thực hiện đó là đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp với từng khách hàng, sau đó, nhìn lại hành trình công nợ mà tăng – giảm sao cho cân đối.

Thứ hai là đặt KPI cho nhân viên thu nợ, thúc đẩy quá trình vận hành diễn ra đúng hạn và kèm chế độ thưởng khích lệ hiệu quả cho nhân viên.

Thứ ba, không kém phần quan trọng đó là tăng động lực cho khách hàng thông qua chiết khấu. Nếu khách hàng trả nợ trước hoặc đúng hạn sẽ nhận được mức chiết khấu hấp dẫn. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể tạo nên một sân chơi win-win, đem lại lợi ích cho cả chủ doanh nghiệp và cả khách hàng.

>>Mời bạn xem thêm: Chuyên gia tặng “bộ kit” chứa 3 tuyệt chiêu giải quyết thu hồi công nợ hiệu quả

Bao nhiêu tiền là đủ khi mở rộng đầu tư, tránh hy vọng nhiều, thất vọng cũng nhiều?

Vấn đề thực tại của hầu hết các doanh nghiệp SME đó là chưa thể cân đối chi phí tài chính sao cho phù hợp. Đa số chủ doanh nghiệp đều làm theo quán tính hay cảm xúc, cứ thấy tiền về hay kế toán cần gì là chi ngay mà ít khi cân nhắc kỹ lưỡng.

Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Bio-Q của chị Kiều Vân đặt chi phí sản xuất – vận hành lên hàng đầu, thứ 2 là nhân viên bán hàng và thứ 3 là marketing. Chi phí dành cho thuế vẫn còn nhập nhằng, chưa rõ ràng. Đôi lúc chị lấy tiền đặt cọc của khách hàng đem đầu tư cho chi phí marketing. Kết quả dẫn đến việc chi tiêu các chi phí đầu tư không hợp lý, lộn xộn và phải vay ngân hàng để trả cho những phần tài chính cố định.

Theo host Vanessa Phan, dựa trên kinh nghiệm quản lý chi phí của tập đoàn chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân đến từ Pháp L’oreal, chủ doanh nghiệp nên thanh khoản chi phí thành 4 phần: Lợi nhuận – Chi phí sản xuất – Chi phí bán hàng – Chi phí vận hành. Trong đó, các tỉ lệ có thể được phân chia theo các mức độ tương ứng như:

  • 30% Chi phí sản xuất, giá vốn hàng bán
  • 30% Chi phí bán hàng
  • 25% Chi phí hoạt động vận hành
  • 15% Lợi nhuận

Từ những tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp có thể cân đối sao cho phù hợp với quy mô, nhu cầu và ngành nghề của mình và cần khéo léo như sắp đặt một tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cần tách bạch rõ ràng lương của mình và lợi nhuận của công ty, đóng rõ 2 vai diễn “làm công” cũng như “làm chủ”. Bởi lẽ, một khi rõ ràng trong doanh thu, doanh nghiệp mới có thể minh bạch trong tài chính.

Ngoài ra, khi phân chia chi phí, cần làm rõ các câu hỏi: Chi phí này có đem lại lợi nhuận không? Có đang hoạt động hay vận hành tốt hay không? Thời gian thực hiện nên là ngắn hay dài hạn?

Mở rộng đầu tư chỉ nên thực hiện khi doanh nghiệp có lợi nhuận ổn hay ngân sách dự trù dài hạn.

Host Vanessa Phan cũng cho rằng, khi thực hiện bất kỳ kế hoạch chi tiêu chi phí nào cũng cần phải thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ nên “bỏ con tép để bắt con tôm” trong giai đoạn đầu, luôn luôn tìm ra 3 cách, sau đó chọn cách tốt nhất để bỏ ra nhiều tiền hơn. Tránh làm việc theo cảm hứng hay quán tính và cần có phương án dự phòng. Quan trọng hơn hết, mở rộng đầu tư chỉ nên thực hiện khi doanh nghiệp có lợi nhuận ổn hay ngân sách dự trù dài hạn (ít nhất 3 – 6 tháng) và không để việc đầu tư ảnh hưởng đến hoạt động vận hành thông thường.

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về vấn đề đầu tư, chi phí đầu tư này có thể là những chi phí mà mình sẵn sàng cho việc mất, tránh “All-in” chi phí để bảo toàn hoạt động cho doanh nghiệp. Song song đó, chi phí đầu tư cần phụ thuộc vào nội lực cùng số % trong phần lợi nhuận thích hợp với mỗi doanh nghiệp. Lưu ý là doanh nghiệp nên chia nhỏ thời gian đánh giá hiệu quả (từng tuần/ tháng) để có được quyết định kịp thời trong việc tiếp tục hay dừng lại khoản đầu tư đó nếu không có hiệu quả.

>>> Xem thêm: Chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm những gì?

Nhà đầu tư xa tận chân trời nhưng lại gần ngay trước mắt?

Ngoài vấn đề công nợ hay mở rộng đầu tư, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc đầu tư phát triển trong tương lai. Tìm một nhà đầu tư không chỉ đơn thuần là tìm người góp vốn mà thông qua đó, chủ doanh nghiệp sẽ tìm một người bạn đồng hành để đem đến những trải nghiệm, kinh nghiệm cũng như kiến thức mà bản thân chúng ta còn đang thiếu sót.

Host Vanessa Phan cho rằng, ở thời điểm ban đầu, chủ doanh nghiệp nên lưu ý đến các đối tượng xung quanh mình, gần gũi nhất đó chính là nhân viên – những người chủ lực trong quá trình vận hành của công ty. Chủ doanh nghiệp có thể cân nhắc việc đầu tư chi phí đào tạo, khuyến khích sự phát triển của nhân viên thông qua việc kích thưởng lương, cổ phần,… và đồng thời thúc đẩy tính cộng tác, đôi bên cùng nhau phát triển bền vững trong tương lai. Như vậy, nhân viên sẽ trở thành một nhà đầu tư tương lai đầy tiềm năng, một thế hệ kế thừa đáng tin cậy cho sự thịnh vượng về sau.

Còn đối với những nhà đầu tư “ngoài công ty”, chủ doanh nghiệp cần sáng suốt trong việc lựa chọn người bạn đồng hành có cùng mục tiêu, chí hướng và tầm nhìn. Thêm vào đó, nhà đầu tư lý tưởng cũng nên có những nền tảng năng lực và kiến thức tốt để nhận ra những thiếu sót và cộng hưởng tốt các khiếm khuyết của nhau, cuối cùng tạo ra một sự phát triển tốt hơn, trọn vẹn hơn.

>>Mời bạn xem thêm: “Vượt ngàn chông gai” thu hồi công nợ: Lối thoát nào cho chủ doanh nghiệp bán sỉ?

Nhà đầu tư lý tưởng cũng nên có những nền tảng năng lực và kiến thức tốt để nhận ra những thiếu sót và cộng hưởng tốt các khiếm khuyết của nhau. Ảnh minh họa, Nguồn Internet.

Tập podcast đầu tiên của “SME Talks” đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho các doanh nghiệp SME, đặc biệt trong việc quản lý công nợ và tài chính khi mở rộng đầu tư. Những bài học và kinh nghiệm thực tế từ chị Đoàn Thị Kiều Vân, cùng những gợi ý từ host Vanessa Phan sẽ là hành trang quý báu cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.

Mời chủ doanh nghiệp cùng đón chờ tập 2 – số phát sóng tiếp theo của series podcast SME Talks vào thứ 4, ngày 04/09 để khám phá bí quyết quản lý tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp khi có nhiều chi nhánh và ngành hàng nhé!