Điều cần biết về Thuế doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh

Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, việc nắm rõ các quy định về thuế là điều vô cùng quan trọng đối với cá thể kinh doanh, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về định nghĩa, sự khác biệt giữa ba loại hình kinh doanh này cũng như các loại thuế phải đóng. Hãy cùng Finan tìm hiểu kỹ càng thông tin để đảm bảo luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật và tối ưu hóa lợi nhuận kinh doanh của mình.

>>Có thể bạn qua tâm: Tổng hợp các luật mới nhất về thuế khi kinh doanh trên sàn TMĐT

1. Định nghĩa

1.1. Doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp là hình thức kinh doanh được thành lập bởi một hoặc nhiều cá nhân góp vốn, có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân) và hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước.

  • Đại diện pháp nhân của doanh nghiệp là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; 1 cá nhân có thể đăng ký nhiều công ty;
  • Đại diện pháp lý của doanh nghiệp là con dấu tròn của doanh nghiệp;
  • Các giao dịch của doanh nghiệp chỉ được hợp thức hóa khi có chữ ký của người đại diện pháp luật và con dấu của doanh nghiệp;
  • Doanh nghiệp có thể hoạt động với quy mô lớn, không giới hạn số lượng lao động. Doanh nghiệp có thể mở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại nhiều địa chỉ khác nhau;
  • Không giới hạn số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh.
Điều cần biết về thuế doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh
Như thế nào gọi là một doanh nghiệp đủ điều kiện?
Nguồn ảnh: Internet

1.2. Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên trong gia đình đăng ký, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình cho các hoạt động kinh doanh, 1 người chỉ đăng ký được 1 hộ kinh doanh cá thể. Khi các thành viên gia đình cùng đăng ký, cần ủy quyền cho một người làm đại diện.

  • Hộ kinh doanh chỉ được phép sử dụng tối đa 10 lao động và không được mở thêm chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh khác ngoài địa điểm đã đăng ký.
  • Giới hạn về số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh (Ví dụ: không được đăng ký ngành nghề xuất, nhập khẩu).

1.3. Cá nhân kinh doanh là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân kinh doanh, hay còn được gọi là cá nhân hoạt động thương mại, là những người hàng ngày tự mình thực hiện một hoặc nhiều hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động sinh lợi khác theo quy định của pháp luật, nhưng không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, và không được gọi là “thương nhân” theo Luật Thương mại. Cụ thể, các hoạt động này bao gồm:

  • Buôn bán rong (buôn bán dạo): Hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định, bao gồm cả việc bán sách báo, tạp chí và văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh theo quy định pháp luật.
  • Buôn bán vặt: Mua bán các vật dụng nhỏ lẻ, có thể có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Bán quà vặt: Hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống, có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Buôn chuyến: Mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
  • Thực hiện các dịch vụ nhỏ lẻ: Bao gồm các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh, và các dịch vụ tương tự, có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Các hoạt động thương mại độc lập và thường xuyên không cần phải đăng ký kinh doanh.

Những cá nhân tham gia các hoạt động trên không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo pháp luật và không được gọi là thương nhân theo Luật Thương mại.

>>Có thể bạn quan tâm: Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày mua online: Doanh nghiệp đứng đâu trên “bản đồ chi tiêu”?

Điều cần biết về thuế doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh
Các hoạt động được gọi là cá nhân kinh doanh theo Pháp luật
Nguồn ảnh: Internet

1.4. Phân biệt hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh

Hộ kinh doanh Cá nhân kinh doanh
Khái niệmĐược thành lập bởi một cá nhân hoặc các thành viên trong gia đình, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình cho hoạt động kinh doanh của hộ.Là những cá nhân tự thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động sinh lợi khác hàng ngày. Những hoạt động này được pháp luật cho phép nhưng không yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định và không được coi là “thương nhân” theo Luật Thương mại.
Thủ tục đăng ký kinh doanhPhải đăng ký kinh doanh, ngoại trừ trường hợp các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hoặc làm các dịch vụ có thu nhập thấp.Không cần phải đăng ký kinh doanh.
Địa điểm kinh doanhChỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cố định.Có thể kinh doanh tại nhiều địa điểm linh hoạt.
Quy mô kinh doanhTối đa 10 lao động. Chỉ có một cá nhân tham gia kinh doanh.

2. Quy định về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh

2.1. Đối với doanh nghiệp

Trách nhiệm và yêu cầu đối với người đăng ký:

  • Đảm bảo tính hợp pháp và chính xác: Người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải cam kết rằng tất cả thông tin trong hồ sơ đăng ký và báo cáo của doanh nghiệp là hợp pháp, chính xác và trung thực.
  • Giải quyết tranh chấp nội bộ: Các tranh chấp giữa các thành viên hoặc cổ đông phải được giải quyết trước khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Quy định về con dấu và tài liệu:

  • Không cần đóng dấu cho một số tài liệu: Giấy đề nghị đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký, nghị quyết, quyết định và biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu.
  • Tuân thủ quy định pháp luật cho các tài liệu khác: Việc đóng dấu cho các tài liệu khác phải tuân theo quy định của pháp luật liên quan.

Quy định về thành lập doanh nghiệp:

  • Quyền thành lập: Doanh nghiệp có thể được thành lập bởi cá nhân hoặc tổ chức và được nhà nước bảo hộ theo quy định pháp luật.
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP:Theo quy định này, người thành lập hoặc doanh nghiệp phải:
    • Nộp hồ sơ đăng ký đầy đủ và đúng hạn.
    • Công khai thông tin về việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.
    • Công khai các văn bản pháp luật liên quan.
  • Trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh: Cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan liên quan không được gây cản trở khi tiếp nhận hồ sơ và phải giải quyết hồ sơ trong thời gian quy định.

2.2. Đối với hộ kinh doanh

Những quy định Pháp luật khi đăng ký hộ kinh doanh
Nguồn ảnh: Internet

Điều kiện đăng ký hộ kinh doanh:

  • Ngành nghề đăng ký kinh doanh không thuộc nhóm ngành nghề bị cấm.
  • Tên hộ kinh doanh phải tuân theo quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
  • Nộp đủ lệ phí theo quy định khi đăng ký hộ kinh doanh.

Quy định về tên hộ kinh doanh:

  • Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: “Hộ kinh doanh” và tên riêng.
  • Tên riêng được viết bằng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số hoặc ký hiệu, không vi phạm truyền thống lịch sử, đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
  • Tên hộ kinh doanh không được chứa từ “Doanh nghiệp” hay “Công ty” và không được trùng tên với hộ kinh doanh khác trong cùng phạm vi cấp huyện.

Quy định hoạt động sau khi đăng ký:

  • Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh phải hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
  • Hộ kinh doanh cần tuân thủ các quy định về việc cập nhật và thông báo các thay đổi liên quan đến thông tin đăng ký để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Những quy định này giúp đảm bảo rằng cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động đúng pháp luật, minh bạch và hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

3. Cách tính thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh

3.1. Đối với doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, các loại thuế cơ bản mà doanh nghiệp phải nộp bao gồm:

  • Thuế môn bài
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

3.1.1. Thuế môn bài

Mức lệ phí môn bài đối với từng quy mô doanh nghiệp:

  • Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm.
  • Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm.
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh: Được miễn trong 3 năm đầu.

>> Mời bạn xem thêm: Thuế môn bài là gì? Thông tin đóng thuế môn bài mới nhất

3.1.2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Phương pháp trực tiếp:

Tiền thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

  • Thuế suất thuế GTGT:
    • Kinh doanh phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%.
    • Kinh doanh dịch vụ, xây dựng chưa bao thầu nguyên vật liệu: 5%.
    • Kinh doanh sản xuất, vận tải, các dịch vụ bao gồm hàng hóa, xây dựng đã bao thầu nguyên vật liệu: 3%.
    • Các hoạt động kinh doanh khác: 2%

Phương pháp khấu trừ

Tiền thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào (được khấu trừ)

Đối với doanh nghiệp, được xuất hóa đơn VAT và được khấu trừ thuế GTGT.

Điều cần biết về thuế doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh
Doanh nghiệp cần quan tâm đến những loại thuế nào?
Nguồn ảnh: Internet

3.1.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Trong năm, doanh nghiệp có phát sinh thu nhập thì thuế TNDN sẽ được tính dựa trên khoản lợi nhuận sau khi đã trừ toàn bộ các chi phí. Cụ thể như sau:

Công thức tính thuế TNDN:

Tiền thuế TNDN phải nộp = Lợi nhuận x Thuế suất

Lợi nhuận:

Thu nhập tính thuế TNDN = Doanh thu kinh doanh – Giá vốn hàng bán – Chi phí kinh doanh

3.1.4. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Là loại thuế mà doanh nghiệp cần nộp thay cho người lao động khi họ làm việc tại công ty và có phát sinh thuế phải nộp.

Công thức tính thuế TNCN:

Tiền thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Các khoản giảm trừ và bảo hiểm bắt buộc của cá nhân thường bao gồm:

  • Giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc:
    • Bản thân: 11 triệu đồng/người/tháng;
    • Người phụ thuộc: 4.4 triệu đồng/người/tháng.
  • Bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.

Ngoài ra đối với doanh nghiệp, có thể có các loại thuế khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…

>> Mời bạn xem thêm: Thuế doanh nghiệp: Định nghĩa, cách tính thuế theo quy mô cùng thời hạn nộp

3.2. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

3.2.1. Thuế môn bài

  • Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.
  • Doanh thu trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
  • Doanh thu trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
  • Miễn lệ phí môn bài: Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trong năm dương lịch trở xuống; hộ kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định; hộ sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020 trong năm đầu tiên.

3.2.2. Thuế GTGT và TNCN

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh/ cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không vượt quá 100 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.

Dưới đây là công thức xác định thuế GTGT và TNCN hộ kinh doanh phải nộp:

Tiền thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % GTGT

Tiền thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ % TNCN

Lưu ý:

  • Đối với hộ kinh doanh, tùy thuộc nhóm ngành nghề hoạt động kinh doanh cụ thể là gì mà quy định về tỷ lệ thuế GTGT và TNCN sẽ khác nhau, bạn có thể tra cứu thông tin chi tiết tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Trường hợp hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, họ phải khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế trên doanh thu được áp dụng riêng cho từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
  • Hộ kinh doanh không xuất hóa đơn VAT và không được khấu trừ thuế GTGT (hạn chế đối tác mua bán). Ngoài ra, nếu kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế, hộ kinh doanh cũng có thể phải nộp thêm thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên.
  • Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật sửa đổi các Luật về thuế năm 2014, và khoản 4 Điều 6 của Nghị định 12/2015/NĐ-CP, các quy định về thu nhập từ kinh doanh đã được bãi bỏ khi tính các khoản giảm trừ gia cảnh cho cá nhân kinh doanh. Vì vậy, cá nhân kinh doanh khi đóng thuế thu nhập cá nhân không được tính giảm trừ gia cảnh.
Điều cần biết về thuế doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh
Quy định về thuế TNCN và GTGT đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh
Nguồn ảnh: Internet

Nhìn chung, về chế độ kế toán và thuế:

  • Đối với doanh nghiệp:
    • Phương pháp thuế khấu trừ;
    • Thủ tục thuế tương đối phức tạp – cần có bộ phận kế toán;
    • Phải nộp báo cáo thuế hàng quý, hàng năm.
  • Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
    • Thuế khoán cố định do cơ quan thuế quy định;
    • Thủ tục thuế rất đơn giản – không cần kế toán;
    • Không phải báo cáo thuế.

4. Thời hạn nộp thuế

4.1. Đối với doanh nghiệp

Thuế môn bài:

  • Doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.
  • Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nếu hết thời gian miễn thuế môn bài trong 6 tháng đầu năm thì phải nộp thuế trước ngày 30 tháng 7 cùng năm. Nếu hết thời gian miễn trong 6 tháng cuối năm, hạn chót nộp thuế là ngày 30 tháng 1 năm sau.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý phải nộp chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp. Ví dụ, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của Quý 1 năm 2024 phải được nộp trước ngày 30 tháng 4 năm 2024.

Thuế giá trị gia tăng (GTGT):

  • Doanh nghiệp khai thuế GTGT theo tháng phải nộp thuế chậm nhất vào ngày 20 của tháng sau.
  • Doanh nghiệp khai thuế GTGT theo quý phải nộp thuế chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN):

  • Doanh nghiệp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng phải nộp thuế chậm nhất vào ngày 20 của tháng sau.
  • Doanh nghiệp khai thuế thu nhập cá nhân theo quý phải nộp thuế chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp.

4.2. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

  • Lệ phí môn bài: Thời hạn nộp lệ phí môn bài là ngày 30/01 hàng năm.
  • Thuế GTGT và thuế TNCN: Thời hạn nộp thuế khoán do cơ quan thuế thông báo, thường là hàng tháng hoặc hàng quý. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế trước ngày cuối cùng của kỳ nộp thuế.

Giải pháp Ước tính Thuế & quản trị hóa đơn đa nền tảng TMĐT dành cho doanh nghiệp từ Finan

  • Tích hợp đa sàn TMĐT: Kết nối Shopee, Lazada và TikTok Shop vào một nền tảng duy nhất.
  • Đồng bộ hóa đơn hàng: Quản lý dễ dàng với tất cả đơn hàng từ ba sàn TMĐT tại một nơi.
  • Tự động tính toán: Tự động tính toán giá trị hóa đơn và ước tính thuế chi tiết, chính xác.
  • Tải về và xuất báo cáo: Tải dữ liệu đơn hàng và xuất file báo cáo trực tiếp lên cơ quan thuế.
  • Quy trình miễn phí: Toàn bộ quy trình tự động và hoàn toàn miễn phí.

>>Mời bạn xem thêm: Thương mại điện tử: Cách xuất hóa đơn điện tử nhanh & chính xác nhất

>> Mời bạn xem thêm:

Kinh doanh Online & bài toán Thuế: Đừng để bị phạt oan!

Hướng dẫn đóng thuế online đối với người kinh doanh

Thuế là gì? Vai trò của thuế tại Việt Nam

Leave a Reply